trở lại

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) trong ngành bao bì.

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu. Song hành cùng xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp. Theo đó, nội dung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) đã được thể chế hoá trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

EPR là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau tiêu dùng bao gồm việc thu gom, phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng. 

Trong ngành bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì thuộc danh mục bao bì các loại là đối tượng của cơ chế EPR. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu có hai trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì – áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54); và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải – áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55). Theo nghị định 08/2022/NĐ-CP, đối tượng nói trên phải thực hiện tái chế sản phẩm bao bì và các sản phẩm từ ngày 01/01/2024, và có thể lựa chọn hình thức tái chế như tự thực hiện tái chế; thuê đơn vị thực hiện tái chế; ủy quyền cho tổ chức trung gian thực hiện tái chế; kết hợp cách thức trên hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Tỷ lệ tái chế bắt buộc tùy thuộc vào danh mục sản phẩm bao bì và được điều chỉnh 3 năm một lần tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bao bì phải áp dụng quy cách tái chế bắt buộc đối với từng danh mục sản phẩm và phải thu hồi tối thiểu 40% khối lượng sản phẩm. 

TTPhân nhóm sản phẩm, bao bìDanh mục sản phẩm, bao bìTỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiênQuy cách tái chế bắt buộc(Thu hồi tối thiểu 40% khối lượng của sản phẩm, bao bì được tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc)
1A.1. Bao bì giấy A.1.1. Bao bì giấy, carton20%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất bột giấy thương phẩm.
2. Sản xuất các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy hoặc các sản phẩm khác.
2A.1.2. Bao bì giấy hỗn hợp15%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất bột giấy, phôi kim loại và tấm vật liệu thương phẩm.
2. Sản xuất các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy; tấm vật liệu thương phẩm hoặc các sản phẩm khác.
3A.2. Bao bì kim loạiA.2.1. Bao bì nhôm22%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất phôi nhôm sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất các sản phẩm khác.
4A.2.2. Bao bì sắt và kim loại khác20%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất thành phôi kim loại sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất các sản phẩm khác.
5A.3. Bao bì nhựaA.3.1. Bao bì PET cứng22%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất hạt nhựa tái sinh sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất sản phẩm khác (bao gồm cả xơ sợi PE).
3. Sản xuất hóa chất (trong đó có dầu).
6A.3.2. Bao bì HDPE, LDPE, PP, PS cứng15%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất hạt nhựa tái sinh làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất sản phẩm khác (bao gồm cả xơ sợi PE, PP).
3. Sản xuất hóa chất (trong đó có dầu).
7A.3.3. Bao bì EPS cứng10%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất hạt nhựa tái sinh làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất sản phẩm khác.
3. Sản xuất hóa chất (trong đó có dầu).
8A.3.4. Bao bì PVC cứng10%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất hạt nhựa tái sinh làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất sản phẩm khác.
3. Sản xuất hóa chất (trong đó có dầu).
9A.3.5. Bao bì nhựa cứng khác10%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất hạt nhựa tái sinh làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất sản phẩm khác.
3. Sản xuất hóa chất (trong đó có dầu).
10A.3.6. Bao bì đơn vật liệu mềm10%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất hạt nhựa tái sinh làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất sản phẩm khác.
3. Sản xuất hóa chất (trong đó có dầu).
11A.3.7. Bao bì đa vật liệu mềm10%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Sản xuất hạt nhựa tái sinh làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
2. Sản xuất sản phẩm khác.
3. Sản xuất hóa chất (trong đó có dầu).
12A.4. Bao bì thủy tinhA.4.1. Chai, lọ, hộp thủy tinh15%Giải pháp tái chế được lựa chọn:
1. Làm sạch và tái sử dụng bảo đảm tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
2. Xay nghiền thành cullet phục vụ sản xuất thủy tinh.
3. Xay, nghiền thành cốt liệu phục vụ xây dựng
Tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc theo nhóm và danh mục sản phẩm

EPR có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xử lý chất thải và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Khác với cách tiếp cận truyền thống trong việc tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề quản lý chất thải và tiêu chuẩn tái chế, EPR giúp Chính phủ đạt được mục tiêu mà không cần tăng thuế hay phí. Bên cạnh đó, EPR sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế, và được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam, bao gồm chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế đang rò rỉ thành rác thải biển. EPR cũng là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại, điều hướng các nguồn rác thải phục vụ tái chế vào các cơ sở tái chế thân thiện môi trường.

Là một trong những ngành, lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, các nhà sản xuất cần nhanh chóng xây dựng lộ trình thực hiện, đăng ký, kê khai, báo cáo trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải. 

(Theo báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

VN
Trường An